CUỘC SỐNG NHƯ CUỘC CHIẾN

0 Bình luận ... Được đăng bởi Admin kokorogarden

Tự thế gian này là một chiến trường khổng lồ. Ở mọi nơi đều có giao chiến, bạo lực và đổ máu. Sự tồn tại được đặc trưng bởi sự tranh đấu không ngừng: các phân tử đấu tranh với phân tử, các nguyên tử đấu tranh với nguyên tử, các electron đấu tranh với electron, đàn ông đấu tranh với đàn ông, phụ nữ đấu tranh với phụ nữ, con người đấu tranh với loài vật, loài vật đấu tranh với con người, thần thánh đấu tranh với loài người, loài người đấu tranh với thần thánh, con người đấu tranh với tự nhiên và tự nhiên đấu tranh với con người. Trong cơ thể một con người cũng có sự thay đổi và tranh đấu liên tục.

Tồi tệ hơn cả thế giới tự nhiên, tự tâm cũng là một đấu trường lớn, nơi đang diễn ra nhiều trận đánh. Mọi sự việc bất ngờ dù nhỏ đều khuấy động sự quân bình của tâm. Tâm trở nên hạnh phúc quá mức khi đứa con được sinh ra. Và trong khoảnh khắc tiếp theo, tâm trở nên đau khổ khi đứa trẻ bị ốm đau, gặp tai nạn hay thậm chí mắc bệnh vặt. Tâm dao động giữa hai thái cực hạnh phúc và đau khổ bởi vì nó không được huấn luyện để thấy bản chất thật của cuộc sống. Vì lý do đó, con người thông thường sẽ luôn trải nghiệm đau khổ, sợ hãi, bất an và những thỏa mãn tâm lý nhỏ nhặt khác trong thế giới của sự thay đổi không ngừng này. Nhưng một người khi đã huấn luyện tâm bằng thiền và thấy bản chất của mọi sự đúng như chúng là vậy, người đó sẽ không còn dính mắc vào hoặc bị ràng buộc bởi thế gian. Kết quả là người đó được giải thoát khỏi đau khổ và sự bất toàn của thế giới này.

Cuộc sống là một cuộc chiến vĩnh cửu trên hai mặt trận: hướng ngoại và hướng nội. Cách hướng ngoại là sự thiên về trí óc và tính hợp lý. Nếu sức mạnh của mặt trận thứ nhất này bị suy kiệt, chúng ta sẽ rút về mặt trận thứ hai của cảm xúc và tư duy tinh thần rồi tìm cách chiến đấu lại từ đây. Khi mặt trận thứ hai cũng bị mất, chúng ta sẽ rút vào bên trong mình chữa trị vết thương một thời gian, rồi chỉ để vùng lên lần nữa và chiến đấu vào một ngày khác trong tương lai. Tuy nhiên, khi chúng ta hoàn toàn bị kiệt sức và rút vào bên trong mình, sống trong giận dữ, thất vọng, mong ước và ý nghĩ kỳ quặc cả một thời gian dài, thì sự minh mẫn và tự chủ có thể bị ảnh hưởng.

Một tâm không kiểm soát sẽ bị chi phối bởi những tư tưởng bất thiện của sự ích kỷ, lòng tham lam cũng như bị dính mắc vào danh tiếng, thành đạt và của cải. Nếu những chiều hướng này không được kiểm tra, tâm sẽ quay trở lại gian nhà của quỷ, thay đổi con người thành những quái vật sẵn sàng giết hại bất cứ ai và phá hủy bất kỳ thứ gì theo cách của chúng.

Vì lợi ích của sự thành đạt và thỏa mãn vật chất, chúng ta không lắng nghe tiếng nói của tự nhiên. Chúng ta muốn quá nhiều trên đời và vì thế chúng ta “kiệt sức”. Chúng ta được tạo ra để tin rằng “thành công” nghĩa là có thể làm được mọi thứ và là người “giỏi nhất” trong tất cả các hoạt động. Tất nhiên đây là điều không thể có được theo quy luật tự nhiên. Các hoạt động tinh thần của chúng ta quá bận tâm với hạnh phúc trong tương lai đến mức chúng ta phớt lờ các nhu cầu của cơ thể và lãng quên tầm quan trọng của khoảnh khắc hiện tại. Việc không thể đạt được những điều quan trọng nhất này của chúng ta là một trong những nguyên nhân chính của mọi thất vọng, bất mãn, sợ hãi và bất an của chúng ta.

Vậy kết quả của tất cả hoạt động tinh thần và thể chất không kiểm soát liên miên này là gì? Lo lắng và căng thẳng tự biểu thị chúng thành những lo âu và đau ốm tinh thần, thường được biết là “những cảm xúc giết người”. Những cảm xúc tiêu cực của sợ hãi, lo lắng, bất an, ghen tị, v.v… không chỉ gây ra đau khổ cho chính người có cảm xúc đó mà còn cho cả những người xung quanh.

Ở nhiều nước phát triển người ta thấy rằng, trung bình cứ mười người thì có hai người đang đau khổ dưới một số hình thức của bệnh tâm thần hoặc cần điều trị tâm thần cho một kiểu loạn thần kinh nào đó. Ngày càng nhiều bệnh viện và tổ chức y tế chữa bệnh tâm thần được xây dựng. Có quá nhiều người rất cần được giúp đỡ nhưng lại không nhận được bất kỳ sự điều trị nào. Sự gia tăng tội phạm – điều đôi khi được coi là bệnh tinh thần trong xã hội – đã đến mức đáng báo động. Một trong những kết quả nghiên cứu quan trọng và có ảnh hưởng rộng của Freud là sự thừa nhận rằng, “tội phạm và những kẻ buộc phải phạm pháp là bệnh nhân tâm thần nên cần có nhiều sự hiểu biết và điều trị hơn là trừng phạt để báo thù.” Thái độ giác ngộ trước vấn đề này là nền tảng cho tất cả cải cách xã hội tiến bộ và mở ra cánh cửa cho sự phục hồi [nhân cách] thay vì trả thù và trừng phạt.

Có những hệ phương pháp hoặc kỹ xảo phổ biến cụ thể trong liệu pháp chữa bệnh tâm thần để điều trị cho những người bị mất cân bằng tâm lý. Trước hết, mục đích là làm lộ diện các trạng thái tinh thần đã bị chôn vùi trong thời gian dài. Bác sĩ tâm thần khuyến khích bệnh nhân nói chuyện và thổ lộ những suy nghĩ được ngụy trang cẩn thận vốn đã bị che giấu trong thời gian dài kể cả với chính bản thân người bệnh. Bác sĩ tâm thần kiềm chế có chủ đích việc bảo người bệnh phải làm gì, thay vào đó bác sĩ cố gắng đưa người bệnh tới trạng thái tỉnh thức tinh thần nơi họ có thể tự thấy những thái độ sai lầm của tâm mình. Do đó, bằng cách này, một bác sĩ tâm thần giỏi sẽ cố tiết lộ bí mật cho bệnh nhân biết thủ phạm tạo ra bệnh tật trong mọi trường hợp không phải ai khác mà chính là người bệnh. Sự vạch trần này mang tới một cái nhìn thấu đáo vào bản chất bị che giấu của vấn đề cũng như cách thức giải quyết nó ra sao.

Cách tiếp cận này tương tự với phương pháp “hãy tự mình làm” của Đức Phật, nhằm mục đích giúp chúng ta giác ngộ được bản chất thật của cuộc sống, của chính bản thân và các vấn đề của chúng ta. Bằng cách tuân theo phương pháp này từng bước một, chúng ta sẽ tiến tới giác ngộ rằng những vấn đề lớn lao trên thế gian này được gây ra bởi sự vô minh và tham lam của chính chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng thực hành cách giảm thiểu các phiền não tinh thần và nhổ rễ những nguyên nhân sâu xa thuộc các vấn đề của mình; nhờ đó, cho phép chúng ta trải nghiệm sự trưởng thành tâm linh và được hoàn toàn giải thoát khỏi những đau khổ và hoàn cảnh của thế gian.

 

Bài viết trích từ cuốn sách SAO PHẢI LO LẮNG! của ngài K. Sri. Dhammananda, dịch giả: Pháp Minh Trịnh Đức Vinh.

 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
Bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: