YÊU THƯƠNG CHÍNH MÌNH – ÁI TỰ NGÃ (SELF-LOVE)

0 Bình luận ... Được đăng bởi Admin kokorogarden

(Bài viết của Tỳ khưu ni Pháp Hỷ Ayya Dhammananda 

- Tiến sĩ Phật học và ngôn ngữ Pali tại Srilanka năm 2008)

Trong một cuộc đi dạo của cặp uyên ương nổi tiếng trong lịch sử là vua Pasenadi (Sa-Nặc Vương) và hoàng hậu Mallika (Mạt lỵ nương) của vương quốc Kosala, nhà vua âu yếm hỏi vợ:

- Thiếp yêu ai nhất?

- “Thiếp yêu chính mình nhất” - với chút lưỡng lự, nhưng hoàng hậu đã trả lời thành thật và thẳng thắn. Rồi bà cũng trang nghiêm hỏi lại nhà vua:

- Vậy Đại Vương yêu ai nhất?

- “Trẫm cũng yêu chính mình nhất”. Vua Pasenadi cảm thấy không thể dối lòng mình nên cũng trả lời thành thật như vậy, cho dù trong lòng ông vẫn có chút thất vọng và không vui.

Sau buổi dạo chơi khá lãng mạn dưới ánh trăng trong vườn ngự uyển, nhưng cuộc đối thoại lại trở nên trầm mặc suy tư cho cả hai. Họ trở lại cung điện và làm những việc cần phải làm của một đấng quân vương và một bậc mẫu nghi thiên hạ.

Ngày hôm sau, sau buổi ngự triều và dàn xếp việc nước, vua Pasenadi đã đi đến diện kiến Đức Phật. Lúc đó Thế Tôn đang ngự tại Sāvatthī, trong tịnh xá Kỳ Đà Viên (Jeta’s Wood), do thí chủ Cấp Cô Độc dâng cúng (Anāthapiṇḍika’s monastery). 

Nhà vua tường thuật lại buổi đi dạo và cuộc đối thoại giữa ông và hoàng hậu Mallika – cả hai đều là những đệ tử thuần thành của Đức Phật. Nghe xong câu chuyện, đức Thiện Thệ đã cảm hứng thốt lên kệ ngôn (Udana 5.1):

Lang thang ý tìm khắp xứ,

Không gặp ai thân hơn ta;

Cũng vậy ai ai yêu tự ngã,

Thương mình, chớ hại người ta.”

“Sabbā disā anuparigamma cetasā,

Nevajjhagā piyataramattanā kvaci;

Evaṃ piyo puthu attā paresaṃ,

Tasmā na hiṃse paramattakāmo”ti. (Udana 5.1)

Đó là câu chuyện của cặp vợ chồng vương giả đã từng trúng tiếng sét ái tình khi họ còn son trẻ. Bên nhau trọn đời, họ cũng đi qua những thăng trầm và các dramas như mọi cặp vợ chồng khác, đến lúc chín chắn hơn, cả hai lại cùng học đạo và tu tập sống có đạo với cùng một bậc Thầy là đức Thế Tôn, bậc Thế Gian Giải (biết tuốt thế gian) nên họ rất thực tế. Người đàn ông này không hứa hẹn: “Tôi yêu em nhất trên đời.” Tôi có thể chết vì em, vv”… sáo rỗng như những chàng trai tầm thường khác.

Người phụ nữ mẫu nghi thiên hạ này cũng không phải là người tầm thường như bao cô gái nông cạn hay yếu đuối khác. Bà là một người không chỉ có nhan sắc mà còn là cô gái rất thông minh và can đảm, mưu trí khác người với một niềm tin mãnh liệt nơi Tam Bảo, đặc biệt là nơi đức Phật – bậc thầy của Trời và Người. Bà dám nói sự thật trước một kẻ có quyền sinh quyền sát, người nắm trong tay mạng sống của hàng triệu sinh linh, người có quyền thăng hay giáng địa vị của người khác theo tư ý thích ghét của mình. Vậy mà bà vẫn không sợ câu nói thật lòng của mình có thể bị ‘giáng’ từ mẫu nghi thiên hạ xuống thành bậc thứ dân.

Cái thực tế “mình yêu chính mình nhất” này trong thế giới mà chúng ta đang sống không phải là chủ nghĩa vị kỷ (Narcissism), cũng không phải là tuyên ngôn về chủ nghĩa cá nhân (individualist) mỗi người tôn thờ bản ngã của mình. Mà đây là một ghi nhận thực tế trong thế giới chúng sinh- nơi mỗi cá thể một cách bản năng vẫn xem mình và sự tồn vong của bản thân là điều quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu. Lời nhắn nhủ của đức Thế Tôn là nếu thấy ai cũng yêu bản thân mình nhất như vậy thì làm thế nào để yêu mình mà không ảnh hưởng /gây hại đến bản thân người khác? Đây là một vấn đề rất quan trọng cần suy ngẫm và thảo luận.

Trong nhiều pháp thoại với chư tăng (bhikkhu), đức Phật đã nói người khôn ngoan nhất là người biết đặt lợi ích của bản thân lên trước lợi ích của tha nhân. “Lợi ích của bản thân” ở trong ngữ cảnh này là thực hành để có giác ngộ giải thoát trước khi dấn thân phục vụ tha nhân, giảng dạy và giúp đỡ cho người khác cũng được giải thoát khỏi những trói buộc họ mà họ đang vướng vào. Nói nôm na là ‘có biết bơi thì mới xuống nước cứu người chết đuối’ được. Đây là một thực tế rất thường tình mà hầu như ai cũng biết (common sense).

Trong thế giới vị kỷ, con người thường trở nên rất ích kỷ (chỉ biết đến mình và cảm xúc của mình) và vô cảm với cảm xúc và nhu cầu của người/ chúng sinh khác. Họ giành giật hơn thua từng chút một, đắc ý hay cay cú sát phạt nhau không thương tiếc. Đó chính là vì yêu quý chính mình, quý trọng cái liên quan đến mình mà không biết tôn trọng người khác, không xem xét đến quyền lợi của tha nhân. Thái độ sống tham lam ích kỷ này đưa thế giới đến chỗ tranh đấu, chiến tranh, bạo loạn, bất an và nguy hiểm ở nhiều cấp độ; nhưng vì vô minh (thiếu hiểu biết) nên nhiều người vẫn chưa thấy ra điều này. Họ chỉ biết mình mà không biết người, nên mới có câu: “khôn quá cũng chết, dại quá cũng chết, chỉ có biết là sống”. Thực ra thì ‘khôn’, ‘dại’ hay ‘biết’ gì rồi cũng phải chết! Tuy nhiên cái ‘khôn’, cái ‘dại’ và cái ‘biết’ lại ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của chúng ta trong hiện tại và để lại dấu ấn thiện hay bất thiện cho tương lai.

Tính vị kỷ và sự thông minh, cái ‘khôn’ cho riêng mình của con người khiến họ trở nên những sinh vật đáng sợ nhất hành tinh!

Để đối trị với xu hướng vị kỷ này của chúng sinh, đức Phật đã chế ra năm giới làm thành những chuẩn mực đạo đức căn bản nhất cho một con người thiện lương.

  1. Không giết, không bảo giết, không vui thích khi thấy hay nghe về giết chóc là nguyên tắc sống thiện lương đầu tiên. Thay vì tàn phá, giết hại, hãy trân trọng và bảo vệ sự sống trong ta và quanh ta – đó chính là vun bồi gốc đức, là năng lượng để dành cho mai hậu.

  2. Không lấy của không cho, không thèm khát những thứ không thuộc về mình, không bảo lấy theo cách trộm cắp, không vui thích với của trộm cắp là nguyên tắc sống thứ hai cần phải thực hành. Thay vì lấy hay chiếm đoạt bất chính, hãy mở rộng tấm lòng, bố thí, làm phước làm ơn vì tha nhân, vì một thế giới tử tế và an toàn hơn để sống.

  3. Không tà dâm, không tìm kiếm dục lạc một cách sai trái, bệnh hoạn, biến thái khiến chính mình thất vọng, đảo điên và phá hoại hạnh phúc an vui của người khác. Hãy sống trung thực, biết kiềm chế các ham muốn, CÓ QUY LUẬT VÀ ĐIỀU TIẾT TRONG VIỆC ĂN NGỦ HƯỞNG THỤ, học tập để có đời sống nhẹ nhàng thanh thản hơn.

  4. Không nói lời dối trá, không khuyến khích, ủng hộ hay bao biện cho sự gian dối lường gạt, không vui thích khi thấy hay nghe về những chuyện dối trá làm hại đến người khác. Học tập để chỉ nói lời trung thực, lời đem đến lợi ích chung, lời không làm tổn hại hay đau khổ cho người khác, chỉ nói lời theo pháp theo luật hiện hành, không nói lời nhảm nhí và tung tin thất thiệt. Cũng nên học cách nói chuyện /truyền thông đem đến an lạc, dễ chịu và cảm hứng lành mạnh đến quần chúng.

  5. Không sử dụng các chất gây say, các chất gây kích thích thần kinh khiến cho mình bị loạn tâm mất trí, những chất khiến cho sức khỏe bị tổn giảm, khiến cho nhân cách bị tha hóa. Hãy học cách để sống hiểu biết, sáng suốt khi sử dụng các sản phẩm có sẵn trên thị trường. Nên sống giản dị, quay về với thiên nhiên, sống thuận theo thiên nhiên và bảo toàn, cân bằng các nhu cầu thiết yếu của con người.

Giữ gìn & tuân thủ theo năm chuẩn mực đạo đức căn bản này là đang ban bố “vô úy thí” đến chính mình và đến các chúng sinh khác trong thế giới này. Đây là cách tốt nhất để yêu mình và tôn trọng người khác theo Phật giáo.💗

-VIẾT TẠI TỰ VIỆN LIÊN HOA, DALLATS, 05/03/2020.

TKN. PHÁP HỶ - DHAMMANANDA THERI

 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
Bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: