Thoát Khỏi Nghiện Ngập (phần 1)

0 Bình luận ... Được đăng bởi Admin kokorogarden

trích Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ, thiền sư S.N. Goenka

Quý vị thân mến, quý vị đã tham dự khóa thực hành Dhamma (Pháp) mười ngày này. Đây là khía cạnh thực tiễn của Pháp. Không nếm khía cạnh thực tiễn này của Pháp thì phương diện lý thuyết sẽ không rõ ràng. Tất nhiên, chúng tôi không hy vọng rằng, trong mười ngày các bạn sẽ nắm bắt được những phương diện thâm sâu của Pháp, nhưng ít ra bạn cũng có được một nét khái quát về đạo lộ là thế nào, và quy luật tự nhiên là sao.

Tôi xin nhắc lại rằng Pháp không có nghĩa là Pháp của đạo Phật, hay Pháp của đạo Hindu (Ấn Độ giáo) hoặc Pháp của Hồi giáo (Muslim), vv… Pháp là Pháp. Và Đức Phật cũng vậy, là Đức Phật. Không phải chỉ có một người thành Phật, mà bất kỳ ai giác ngộ viên mãn đều là Phật cả.

Thế nào là sự giác ngộ viên mãn? Đó là sự chứng ngộ sự thực ở mức cùng tột bằng kinh nghiệm trực tiếp. Khi một bậc nào đó giác ngộ viên mãn, vị ấy không thiết lập một bộ phái đặc biệt hay một tôn giáo đặc biệt nào cả. Vị ấy chỉ giải thích sự thực mà vị ấy đã tự mình thực chứng, sự thực mà mọi người ai cũng có thể chứng được, sự thực vốn giải thoát con người khỏi mọi khổ đau.

Đức Phật đã công bố hết sức rõ ràng rằng người nào hiểu được quy luật nhân – quả, người ấy hiểu Pháp; và người nào hiểu Pháp, người ấy hiểu quy luật nhân – quả. Luật nhân – quả thì chẳng thuộc bộ phái nào cả. Quy luật của tự nhiên là quy luật cho thấy rằng giây phút nào bạn phát ra tiêu cực trong tâm, tâm sẽ ảnh hưởng đến vật chất (sắc), và sự phản ứng khởi động trong cấu trúc vật chất này làm cho bạn rất là kích động, làm cho bạn rất là bất hạnh, rất là khổ đau.

Bạn có thể tự gọi mình là một người Hindu giáo, hay một người Hồi giáo, hay một người Thiên Chúa giáo, hay là người Phật giáo. Bạn có thể tự gọi mình là một người Ấn Độ, người Pakistani, người Tích Lan, hay Miến Điện vv… nhưng giây phút bạn phát sinh tiêu cực trong tâm, quy luật tự nhiên cho biết rằng bạn chắc chắn sẽ đau khổ. Không người nào có thể cứu bạn khỏi sự đau khổ này. Tuy nhiên, nếu bạn không phát ra tiêu cực trong tâm, bạn sẽ thấy rằng bạn không có đau khổ. Một cái tâm thoát khỏi những nào phiền, một cái tâm thanh tịnh cũng theo quy luật tự nhiên, sẽ tràn đầy lòng từ ái, tràn đầy lòng bi mẫn, tràn đầy lòng hoan hỷ và tràn đầy tâm buông xả.

Nếu  có một pháp hành, nếu có một kỹ thuật, nếu có một đạo lộ nào có thể thay đổi được lề thói quen của tâm, và có thể làm cho tâm thanh tịnh bằng cách tẩy sạch những tiêu cực, những phiền não; thì theo nó đương nhiên sẽ thoát khỏi khổ đau. Bạn có thể cứ tiếp tục gọi mình bằng bất cứ tên gọi nào cũng được, điều đó không quan trọng. Quy luật là quy luật, nó mang tính phổ quát.

Đây là sự giác ngộ của đức Phật và đây cũng là những gì Ngài giảng dạy, đức Phật không màng đến một triết lý đặc biệt nào cả. Hầu hết mọi thời đại, triết lý được sáng tạo bởi những người chơi trò tưởng tượng, hay chơi trò tri thức hóa. Cũng có khi triết lý được tạo ra bởi những người có thể đã kinh nghiệm một vài bước trên đạo lộ, và từ những gì họ kinh nghiệm được, họ hình thành một triết lý để rồi trở thành một thứ tín điều mù quáng cho những tín đồ của họ. Và đây cũng là cách các bộ phái được thành lập: dựa trên những niềm tin được xem là tưởng tưởng hay những niềm tin được xem là do những trò chơi tri thức sáng tạo, hoặc những niềm tin do kinh nghiệm phần nào đó về sự thực tạo ra.

Một bậc giác ngộ hiểu rõ tất cả điều này. Ngài không bao giờ đòi hỏi mọi người phải chấp nhận những gì Ngài nói vì Ngài là một bậc thực chứng, một bậc đã giác ngộ viên mãn. Muốn hiểu được điều ấy bạn cũng phải tự mình chứng ngộ, và đây là một tiến trình nhờ đó bạn trực tiếp thực chứng chân lý. Bạn phải bước những bước trên đạo lộ và những gì đã được bạn thực chứng bạn mới chấp nhận nó, và dần dần từng bước một, với một tâm hồn cởi mở, bạn tiếp tục kinh nghiệm những sự thực càng lúc càng thâm sâu hơn trên đạo lộ.

Đạo lộ có sẵn đó, vì thế hãy tiếp tục bước đi trên đấy. Dĩ nhiên, cũng có một số những quy tắc cần phải tuân thủ: không để bị vướng mắc vào bất cứ loại tưởng nào; không để vướng mắc vào những kỹ thuật trong đó bạn cố gắng thấy thực tại với cặp kính màu mang nặng tín ngưỡng truyền thống riêng của bạn. Nếu không, kỹ thuật sẽ không hiệu quả.

Bạn chỉ việc quan sát thực tại từ sát na này đến sát na khác, đúng như nó là, hiểu rõ bản chất của nó, hiểu rõ đặc tính của nó. Tuy nhiên, đối với thực tại thuộc thế gian bên ngoài, có thể được kinh nghiệm chỉ khi nó tiếp xúc với các cửa giác quan (căn môn) của thân bạn, còn chỉ có thực tại trong cấu trúc của thân mới có thể được kinh nghiệm trực tiếp mà thôi. Và giờ đây bạn đã bắt đầu kinh nghiệm thực tại này trong cơ cấu của thân. Như tôi đã nói, trong mười ngày không thể trông đợi là bạn sẽ có thể hoàn hảo trong việc hiểu rõ quy luật tự nhiên này được. Nhưng một thiền sinh đến đây để thẩm xét sự thực và làm việc với một tâm trí cởi mở, ít ra sẽ hiểu được thế nào là đạo lộ thực chứng chân lý.

Trong mười ngày này bạn trở nên tin chắc rằng kỹ thuật bạn đang theo là đúng; nhờ tiến bước trên đạo lộ mà những thực tại tinh tế hơn thuộc tâm và vật chất hay danh và sắc sẽ được chứng thực, bạn cũng hiểu sự tương tác giữa tâm và vật chất, cách chúng ảnh hưởng lẫn nhau, rằng toàn tiến trình không liên quan gì đến tôn giáo này hay tín ngưỡng khác. Bạn đã làm việc giống như các nhà khoa học thẩm tra sự thực bằng cách chia chẻ, mổ xẻ, làm rã ra, làm tan ra và phân tích nó, không chỉ ở mức tri thức, mà còn ở mức kinh nghiệm, ở mức cụ thể. Bạn đã bước một bước rất nhỏ trên đạo lộ để hiểu được tâm này là gì, để hiểu được sắc (vật chất) này là gì.

Khi bạn tiến thêm nữa, đạo lộ sẽ dẫn bạn đến một giai đoạn ở đấy bạn có thể kinh nghiệm sự nhảy múa của từng hạt hạ nguyên tử tí xíu tạo thành cấu trúc vật lý trong cơ cấu của thân bạn, cũng như ở bên ngoài vũ trụ; những hạt hạ nguyên tử tí xíu ấy sanh và diệt, sanh và diệt ra sao. Và với vật chất (sắc) như thế nào, với tâm cũng như thế ấy. Nghĩa là bạn tiếp tục chia chẻ, mổ xẻ và làm tan rã ra, lúc ấy thực tại về tâm sẽ trở nên càng lúc càng rõ rệt hơn. Một giai đoạn sẽ đến khi bạn có thể thực chứng sự thực tối hậu thuộc về tâm; tức là bạn thấy rõ nó cũng sanh và diệt, sanh và diệt như trước. Rồi một lúc nào đó sẽ đến khi bạn có thể thực chứng thực tại tối hậu thuộc về pháp hay các nội dung tâm trí vốn sanh và diệt trong tâm, các tâm sở khởi lên cùng với tâm; bạn thấy ra rằng bản chất của chúng cũng sanh và diệt, sanh và diệt như vậy.

Sự thẩm sát sự thực của vật chất (sắc), sự thực của tâm (danh), và sự thực của các tâm sở (danh) hay các nội dung tâm trí này, không chỉ vì thỏa mãn tính tò mò, mà để thay đổi lề thói quen của tâm ở mức sâu kín nhất. Khi bạn tiếp tục thực hành bạn sẽ hiểu rõ tâm ảnh hưởng đến sắc như thế nào, và sắc ảnh hưởng đến tâm ra sao.

Mỗi sát na, các khối hạt hạ nguyên tử – kalãpas (các tổng hợp sắc) trong cơ cấu của thân sanh diệt, sanh diệt liên tục. Chúng sanh như thế nào? Nguyên nhân sẽ trở nên rõ ràng khi bạn thẩm sát thực tại đúng như nó là, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ quy định quá khứ hay bởi những tín ngưỡng nặng tính triết lý nào. Nguồn nhập vật chất, hay thức ăn bạn ăn vào, trở thành một nhân cho sự khởi sanh của những tổng hợp sắc (kalãpas) này. Bạn cũng sẽ thấy rằng các kalãphas sanh và diệt do hoàn cảnh khí hậu quanh bạn.

Bạn cũng bắt đầu hiểu ra sự hình thành của cấu trúc danh – sắc (tâm – vật chất); sắc trợ giúp sắc sanh và biến hoại liên tục như thế nào. Tương tự, bạn hiểu ra tâm trợ giúp sắc sanh và biến hoại ra sao. Bạn lại còn để ý thấy rằng thỉnh thoảng sắc sanh từ điều kiện tâm lý của quá khứ. Đó là, các hành đã được tích lũy từ quá khứ, hay còn gọi là nghiệp (kamma). Do thực hành Minh sát, tất cả những điều này bắt đầu trở nên hiển hiện rõ ràng. Trong mười ngày, dù bạn không hoàn hảo trong sự bước khởi đầu. Ngay sát na này, loại tâm nào đã sanh và nội dung của tâm ấy là gì. Tính chất của tâm được quyết định bởi nội dung của tâm. Chẳng hạn, khi một tâm đầy sân hận, hay một tâm đầy dục vọng, hay một tâm đầy sợ hãi đã phát sanh, bạn sẽ thấy rằng khi tâm này sanh, nó trợ giúp cho việc tạo ra các tổng hợp sắc – kalãpas.

Khi tâm đầy dục vọng, thì trong cấu trúc vật chất này, một loại kalãpas đặc biệt sẽ sanh và có một dòng sinh hóa, một sự tiết rỉ, thuộc tuyến hay không thuộc tuyến (non-glandular) bắt đầu chảy khắp toàn thân cùng với dòng máu hoặc theo cách khác. Dòng sinh hóa vốn khởi động do một tâm đầy tham dục đã phát sinh này được gọi là Dục lậu – kãmãsava.

Bây giờ, như một nhà khoa học chân chánh, bạn tiến hành thêm, chỉ quan sát sự thực đúng như nó là, chỉ quan sát xem quy luật tự nhiên làm việc như thế nào. Khi sự tiết rỉ của chất dục lậu (kãmãsava) bắt đầu, vì là chất sinh hóa do dục tham tạo, nên nó ảnh hưởng đến sát na kế của tâm với cường độ dục mạnh hơn nữa. Như vậy, dục lậu này chuyển thành dục ái (kãma-tanhã) ở mức tâm lý, mà dục ái vốn lại kích thích cho dục lậu, một dòng tham dục trôi chảy ở mức vật lý. Cái này bắt đầu ảnh hưởng đến cái kia, bắt đầu kích thích cái kia và tham dục cứ tiếp tục sinh sôi nảy nở trong hàng phút liên tiếp, thỉnh thoảng trong hàng giờ liên tiếp như vậy. Mô thức ứng xử của tâm trong việc tạo rat ham dục được củng cố thêm do sự sinh sản của tham dục cứ được lập đi lập lại như thế này.

Và không chỉ tham dục mà cả sợ hãi, nóng giận, sân hận và tham ái – mỗi loại bất tịnh đi vào tâm – cũng đồng thời tạo ra một lậu hoặc (asãva). Lậu hoặc này tiếp tục kích thích  loại tiêu cực đặc biệt ấy, dẫn đến một vòng luẩn quẩn của khổ. Bạn có thể tự gọi mình là một người theo Ấn giáo, hay một người theo Hồi giáo, hay một người theo Thiên Chúa giáo, điều đó không quan trọng. Tiến trình vẫn là như vậy, quy luật vẫn là như vậy, nghĩa là có thể áp dụng cho mọi người. Không có sự phân biệt nào ở đây.

Sự hiểu biết thuần tri thức sẽ không giúp bạn bẻ gãy cái vòng này, nó có thể còn tạo ra nhiều khó khăn hơn. Tín ngưỡng của bạn từ một truyền thống đặc biệt nào đó xem ra có vẻ hoàn toàn hợp lý, tuy vậy tín ngưỡng ấy sẽ tạo ra chướng ngại cho bạn. Tri thức có những giới hạn riêng của nó. Bạn không thể thực chứng sự thực tối hậu đơn thuần ở mức tri thức. Sự thực tối hậu là vô hạn, vô biên, trong khi tri thức lại hữu hạn. Chỉ có qua kinh nghiệm bạn mới có thể hiểu rõ được cái vô hạn, vô biên ấy. Ngay cả những người đã chấp nhận quy luật tự nhiên này trên phương diện tri thức cũng không thể thay đổi được mô thức ứng xử của tâm họ, và tất nhiên họ còn rất xa sự chứng ngộ sự thực tối hậu vậy.

Mô thức ứng xử này nằm ở phần sâu thẳm của tâm. Những gì được gọi là tâm vô thức thực ra không vô thức, vì lúc nào nó cũng tiếp xúc với thân này. Và với sự tiếp xúc ấy của thân, cảm thọ cứ liên tục sanh lên, vì mỗi hóa chất lưu chuyển trong thân đều tạo ra một  loại cảm thọ đặc biệt. Bạn cảm giác một cảm thọ – lạc, khổ, hoặc không lạc không khổ, bất cứ loại nào có mặt, và với sự cảm giác cảm thọ này, bạn liền phản ứng. Ở sâu thẳm trong tâm, bạn cứ tiép tục phản ứng lại với tham, với sân, với tham, với sân… Do cứ tạo ra những loại tiêu cực và bất tịnh khác nhau như vậy mà tiến trình của sự sinh sôi nảy nở vẫn tiếp diễn không ngừng. Bạn không thể dừng lại được vì có một chướng ngại rất lớn giữa tâm ý thức và tâm vô thức. Khi bạn hành Vipassanã bạn sẽ phá bỏ được chướng ngại này, không hành Vipassanã chướng ngại sẽ mãi tồn tại.

xem tiếp phần 2

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
Bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: